Các ngân hàng sẽ kiểm soát được dòng vốn, chủ đầu tư có thể vay khoản tín dụng mới dù đã có khoản vay cũ, các công trình, dự án BĐS đặc biệt là dự án dở dang sẽ có thể tái khởi động
Đó là những hiệu ứng, tác động tích cực chính mà mô hình liên kết 4 nhà với gói tín dụng hàng trăm nghìn tỷ đồng để dành riêng cho lĩnh vực xây dựng, bất động sản đang được các ngân hàng phối hợp với nhau triển khai.Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành tại Hội nghị về mô hình liên kết 4 nhà vừa được Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức chiều 25/3 thì dòng vốn tín dụng này sẽ là động lực để khơi thông dòng vốn cho ngành xây dựng và bất động sản đang còn rất khó khăn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng vụ tín dụng NHNH, cho biết ngoài gói tín dụng 50.000 tỷ đồng mà VNCB và các đối tác đang triển khai, thì 7 ngân hàng khác cũng đang liên kết và đăng ký với NHNN gói tín dụng khác khoảng 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Mạnh lưu ý là đây là những gói sản phẩm tín dụng thương mại bình thường, nguồn vốn của TCTD cung cấp vốn bình thường cho bất động sản.
Nhận xét về mô hình liên kết này, T.S Lê Xuân Nghĩa khẳng định là sẽ có tác động tích cực đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Và điều này đã được minh chứng từ dự án Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14, trước đây các nhà thầu rất e ngại về dòng vốn triển khai, nhưng từ khi BIDV và VNCB và một số ngân hàng khác liên kết với nhau tạo thành tổ hợp cung ứng vốn và VLXD thì các nhà thầu rất an tâm. Do vậy, hiện nay tốc độ thi công những dự án giao thông này rất nhanh và hiệu quả.
Tới đây, với liên kết 4 nhà như VNCB trình bày thì mô hình này sẽ mở rộng tới các công trình dân dụng, dự án nhà ở đô thị…Ông Nghĩa tin tưởng các dự án sẽ thành công. Việc tổ chức ngành vật liệu xây dựng chuyên nghiệp là một bước tiến quan trọng, bởi điều đáng lo ngại là thị trường VLXD rộng lớn, khi ký TPP các nước bạn cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt là Trung Quốc có nhiều lợi thế.
Ông Nghĩa cũng đánh giá, với mô hình này các ngân hàng sẽ kiểm soát dòng vốn được tốt hơn, tín dụng sẽ chảy vào đúng công trình, không lo ngại sử dụng sai mục đích. Ông Nghĩa cho rằng, ngay cả không có gói tín dụng này hay có gói này mà nếu không liên kết để kiểm soát dòng vốn thì nợ xấu sẽ gia tăng.
Khi đó, rất nhiều điểm lợi sẽ đem lại cho cộng đồng DN hoạt động trong lĩnh vực này, cũng như cho thị trường BĐS, xây dựng như chi phí tài chính chắc chắn sẽ thấp hơn, chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi hơn, chủ đầu tư và nhà thầu được chiết khấu khi tham gia các hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng qua nhà tổ chức trung gian trong mô hình khép kín này,…
Theo báo cáo về thị trường BĐS mới nhất của Bộ Xây dựng, nợ xấu bất động sản tính đến hết 2013 là 3,38%, phù hợp với xu thế giảm của hàng tồn kho bất động sản. Tổng giá trị tồn kho BĐS khoảng 94.458 tỷ đồng, trong đó, riêng tại Hà Nội còn tồn khoảng 3.500 căn chung cư, hơn 3.100 căn nhà thấp tầng, đã giảm khoảng 21% so với hồi đầu năm, tồn kho tại Tp.HCM cũng đang giảm mạnh trên 36% so với đầu 2013, hiện thị trường còn tồn khoảng 7.800 căn.
Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2013 ước tính khoảng 770,4 nghìn tỷ đồng, trong đó công trình nhà ở chiếm tới 1/3. Điều này cho thấy ngành xây dựng luôn được xem là ngành kinh tế quan trọng.
Vì thế, nhấn mạnh tại Hội nghị Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Nguyễn Phước Thanh cho rằng, thông qua việc ký kết giữa các ngân hàng với chủ đầu tư –nhà thầu-nhà cung ứng, sản xuất VLXD trên cùng 1 hợp đồng đã tạo sự tin cậy cho các ngân hàng khi kiểm soát được dòng tiền đến đúng mục đích sử dụng và được đối trừ trực tiếp. Cấu trúc này đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng. Cấu trúc này cũng sẽ giảm thiểu chi phí cho nhà thầu và chủ đầu tư thông qua việc đặt hàng số lượng lớn.
Chia sẻ với chúng tôi ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nếu không liên kết, hợp tác là thất bại. “Nợ đọng BĐS hiện còn khá lớn lên đến hơn 90.000 tỷ đồng, điều đó chứng tỏ chúng ta không kiểm soát được dòng vốn. Đây là điều không thành công về cơ chế tín dụng của ngành xây dựng, vì thế dẫn đến nợ xấu hiện nay mà chúng ta đang phải đương đầu. Để xử lý những vấn đề này, với giải pháp cấu trúc, mô hình mà VNCB cùng các đối tác đưa ra sẽ là một trong nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy thị trường phát triển.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét